Chương 23

Liễu chẳng hiểu gì, giật cả mình nhưng cũng ôm lại Gấu, xoa đầu anh vỗ về:

– Anh Gấu…anh Gấu…anh có sao không? anh sao vậy? đừng có sợ, có Liễu ở đây rồi. không sao đâu…

Gấu vẫn cứ khóc trong vô thức, anh vục mặt vào ngực cô khóc mãi không thôi, tay anh bấu chặt lấy tay cô, anh rêи ɾỉ:

– Tôi sợ, tôi sợ lắm…

Liễu hỏi nhỏ nhẹ:

– Sao anh lại sợ? Ai làm gì anh? Khổ thân anh Gấu quá…

Rồi Liễu quay qua nhìn ông cụ gác đền, ông cụ vội vàng nói:

– Tôi cũng không biết gì đâu, vừa mới vào đây còn chưa kịp thắp nén hương cậu ấy đã giật đùng đùng rồi ngất lịm đi.

Liễu nói:

– Dạ không sao ông, cháu biết rồi mà. Thần kinh của anh ấy không được khỏe, dễ bị kích động, ông đừng bận tâm làm gì…

Liễu lại quay sang Gấu định đỡ anh đứng dậy nhưng lạ thay, Gấu đã tự đứng dậy rồi…hình như anh đã vừa thoát khỏi trạng thái sốc và đã bình tĩnh trở lại…

Trông anh không còn có vẻ gì sợ hãi như vừa rồi, mà trông khuôn mặt đầy vẻ trầm tư, anh nhìn chăm chăm vào một cuốn sách cũ đang nằm trên sàn nhà.

Liễu phát hiện ra, cô với tay cầm cuốn sách lên thì chợt Gấu nói:

– Chớ có đυ.ng vào!

Liễu giật mình hoảng hốt…

Giọng nói của anh đã thay đổi…

Không còn giọng run run sợ hãi, mà là một giọng nói trầm ấm, ngân vang như tiếng chuông chùa….

Gấu cúi xuống nhặt lấy cuốn sách cất vào túi áo rồi quay sang nhìn Liễu nói;

– Bác sĩ, ta về thôi.

Liễu ngơ ngác nhìn anh…

Đôi mắt anh…đôi mắt anh cũng đã biến đổi…nó không còn là đôi mắt rụt rè sợ hãi, không còn là đôi mắt hồn nhiên…nó lạnh lẽo hoang vu, Liễu nhìn vào mắt anh đột nhiên thấy giá lạnh xâm chiếm toàn cơ thể mình…đôi mắt ấy…trong nơi con ngươi, như chập chờn hai màu đen trắng, như lung linh ảo diệu một hình tròn kì bí âm dương…



Lại nói tới ông Thái, bọn Liễu vừa đi khỏi thì ông liền mon men tới cổng nhà thầy Bình, ông cứ lượn lờ quanh quẩn ở đấy không dám vào, cứ đứng tần ngần mãi cả tiếng đồng hồ thì mới thấy trong nhà có người đi ra, thì ra là gia đình người tới thăm nhà thầy, gồm có một cặp vợ chồng và một đứa con gái, họ là chủ của chiếc xe ô tô đen đang đậu trước cửa nhà thầy…

Ngay khi cả gia đình nọ đang định lên xe ô tô đi thì ông Thái chạy đến đón đầu, ông cười chào sởi lởi rồi hỏi:

– Chào anh chị.

Cặp vợ chồng nhìn ông Thái rồi đáp:

– Chào chú, có chuyện gì thế ạ?

Ông Thái nói:

– À, tôi là khách có hẹn trước gặp thầy Bình, không biết trong đấy còn đông người không ạ?

Người chồng liền nói:

– À ra thế, cháu tưởng có chuyện gì, thế chú vào đi, giờ thầy đang trong đấy, không còn khách nào đâu…

Ông Thái lại gặng hỏi:

– Thế nhà đi xem việc cho ai thế? Có được việc không ạ?

Người vợ hiểu ý ông Thái muốn hỏi thưm dò, liền thật thà nói:

– Đứa con nhà cháu khoảng dạo một năm nay nó cứ quấy khóc về đêm suốt, nhà cũng mời nhiều thầy, cũng chữa nhiều nơi, làm nhiều lễ mà không được, vừa mới đưa tới gặp thầy Bình thì khỏi ngay, thầy chỉ làm có ba cái lễ là cháu nó dạo này ăn ngon ngủ yên lắm ạ. Chú cứ yên tâm mà vào đi.

Ông Thái lại hỏi:

– Tôi hỏi hơi tế nhị chút thế mà anh chị thương thì nói tôi với ạ, chẳng biết tiền hậu lễ ra sao mà được việc như thế ạ?

Người chồng lại nói:

– Dạ cũng chẳng bao nhiêu, làm ba lễ mà thầy lấy nhà cháu có hai mươi hai triệu rưỡi, cháu gửi thầy ba chục, số thừa coi như cảm ơn thầy.

Nói rồi không thấy ông Thái hỏi gì nữa, nhà nọ mới lễ phép chào rồi lên xe đi thẳng, bỏ lại ông Thái đứng như trời trồng ngay giữa cửa…

Ba mươi triệu…

Ba mươi triệu???

Ông gom góp dành giụm nhà trong nhà ngoài cả năm trời, từ ngoài vườn cho tới bán dạo, mới dư ra được sáu triệu bạc mang đi…

Vẫn biết việc huyền lễ lạt là tốn kém, nhưng ông đâu có ngờ nó lại tốn đến như thê? Nếu ca của Gấu mà khó trị có khi còn tốn hơn nữa…

Nhưng đã đến tận đây rồi chẳng lẽ lại không vào? Thôi cứ vào nghe thầy phán đã rồi tính sau, tới đâu hay tới đó…

Vậy là ông Thái mạnh dạn bước vào trong cổng nhà thầy rồi gọi cửa, ngay lập tức có đứa bé con độ chừng mười tuổi chạy ra chào hỏi lễ phép, ông Thái liền nói với nó:

– Chào cậu, nhờ cậu vào báo với thầy là có người nhà cô Liễu ở chỗ bệnh viện tỉnh đến xin gặp thầy, đã có hẹn từ trước rồi.

Cậu đồng chào lễ phép rồi nói:

– Dạ con mời bác vô nhà, thầy con đang chờ sẵn trong nhà rồi ạ.

Ông Thái giật mình hỏi:

– Thầy Bình biết là tôi sao?

Cậu đồng cười nói:

– Dạ thưa thầy, hôm nay thầy con chỉ hẹn có hai khách, một người thì vừa mới đi ra thế thì chỉ còn có đám của bác thôi, thôi bác mau vô cho thầy làm việc ạ.

Nói đoạn thái độ xởi lởi vui vẻ, nắm lấy tay ông Thái mà kéo vào trong nhà.

Ông Thái cũng lật đật đi theo cậu đồng vào phủ, ông cứ ngó nghiêng xung quanh mãi, phủ đẹp lắm, màu sắc trang trí sặc sỡ, hoa tươi bày quanh tỏa ra hương thơm ngào ngạt, cạu đồng nói:

– Hoa này tỏa mùi hương để át đi âm phần của khách bác ạ.

Ông Thái cũng vội gật đầu ra điều hiểu biết rồi cùng bước…

Trong phủ thầy có chiếc sập gỗ to chắn ngay chính giữa, trông sập gỗ đẹp lạ, màu hơi tối, trên sập trải chiếc chiếu hoa, có một tọa cụ cho thầy ngồi, đồng thời hai bên thấy có cả mõ nhà chùa, sau sập là đến bàn thờ phủ đặt trên án cao, có hai tầng uy nghi (vậy là thầy này làm bàn thờ còn to hơn cả bàn thờ thần ở đền Tử Hậu), chầu hai bên hương án là hai tượng con hạc bằng đá sứ, chúng nó đều quay hướng vào trong án , trên án có hai thau mâm đồng đựng toàn giấy tiền, thau bên phải đựng tiền toàn tờ một trăm, hai trăm ngàn, thau mâm bên trái thì đựng tiền âm phủ, cạnh mâm có gỗ giấy, ngựa giấy, voi giấy tứ chúng xếp có đủ màu, hương oản hoa quả cũng có năm sắc, nến đèn thì tắt cả nhưng cắm mắc xung quanh cứ cách nhau chỉ độ hai mươi phân…trên bàn thờ còn bày nhiều thứ đồ lễ pháp khí mà ông Thái không hiểu hết ý nghĩa, nói chung chỉ biết to đẹp, bắt mắt, sặc sỡ.

Ông Thái lại nhìn quanh hương án thấy có năm chậu cây lạ, một chậu trồng trong có đất màu đen, bốn chậu còn lại trồng trong đất vàng, dưới lòng chậu cây vẫn còn thấy vương vãi vỏ trứng gà.

Ông Thái biết cây này, đây là cây ngải…

Bấy giờ thầy Bình đang ngồi giữa sập, mặt quay vào trong hương án, lưng thì hướng ra ngoài cửa, trông có vẻ bí hiểm.

Ông Thái chỉ nhìn thấy lưng thầy, thấy mặc chiếc áo chúng dài màu đen, nhìn xuống chân sập thấy đôi dép làm bằng gỗ đế cao, trên đầu thầy có hai vòng tóc, được xếp với nhau thành tròn chồng lên nhau, nếu trải hết ra chắc tóc thầy phải dài cỡ hơn một mét.

Ông Thái mới tháo giày dép ra, quỳ lên sập lạy kính cẩn rồi lên tiếng hỏi nhỏ:

– Dạ bẩm thầy?

Thầy vẫn ngồi im không nói gì, chú đồng mới chạy lại ghé tai thầy nói:

– Con bẩm thầy, có khách đến ạ, là người nhà cô Liễu mà thầy dặn đó…

Bấy giờ thầy mới quay lại…

Ông Thái nhìn kĩ mặt thầy, khuôn mặt tròn đầy trắng bóc như trứng gà, đôi mắt nở to, môi dày cong vẩu xuống.

Thầy thấy ông Thái mới niềm nở hỏi:

– Chào bác, bác đây là họ hàng người nhà của bác sĩ thức ạ?

Ông Thái ngớ ra, rồi từ từ mới nhớ ra, thức là tên của bố Liễu, à phải, là một tiến sĩ bác sĩ giỏi, là người có danh vọng trong tỉnh này…có lẽ vì nể mặt ông ta nên thầy này mới nhận lời chăng?

Ông Thái cũng đáp bừa:

– Dạ bẩm thầy phải.

Thế rồi ông kể lại việc Liễu cùng đám trẻ nhà ông đang đi thăm đền Tử Hậu, cũng như nghe nói thầy có thói quen gặp người nhà trước rồi mới quyết định có nhận việc không, do vậy nên một mình ông đến đây thăm dò trước nghe ý thầy dạy.

Thầy Bình cười nói:

– Con bé nhà thầy thức đúng thông minh tinh ý hơn người, quả là cha hổ sinh con cọp, tôi cũng mong gặp lắm, ngày xưa hồi tôi gặp nó hãy còn bé xíu, đều là chỗ người nhà cả.

Ông Thái nghe thầy nói tới “người nhà” thì trong dạ cũng tạm yên tâm, vậy là hà Liễu có mối quen biết thân tình với thầy này, thế thì cũng tiện việc cho ông.

Bấy giờ thầy lại hỏi han thêm, ông Thái liền kể một lèo những chuyện xảy ra trong nhà cho ông thầy Bình nghe, thầy im lặng tập trung lắng nghe chăm chú, đoạn nói:

– Con ông bị thế sao không đến tìm tôi sớm thì đâu phải câm mấy năm nay, về cầu siêu thì tôi không dám nhận hơn người nhưng nghe qua như thế thì chắc lo được chứ?

Ông Thái gãi đầu đáp:

– Dạ khi đó con đã biết tiếng thầy đâu, hơn nữa con cũng xem thường, cứ nghĩ do cháu nó chơi mưa nhiễm cảm lạnh biến chứng ra, chứu con mà biết có chuyện như thế thì con lại tới phiền thầy rồi, thế nhưng nhờ trời nay việc của con bé cũng tạm yên rồi thế còn việc của thằng Gấu nhà con, thầy nghe như thế thì không biết ý thầy sao? Liệu có giúp cho cháu nó được không?

———————–