Chương 20

Tập 20



Thầy Bình là ông thầy nổi tiếng ở huyện Đình Trạch, cách nơi ông Thái sinh sống khoảng chín chục cây số, thầy này rất giỏi xem tướng số, xem địa trạch cũng như thông thạo các nghi lễ cúng tế, viết bùa, do vậy mà khách của thầy cũng đông lắm, quanh năm chẳng khi nào ngớt. thầy Bình có nhà riêng nhưng không thường hay ở nhà mà cả ngày đều ở phủ, phủ của thầy to đẹp, có nuôi hai cậu hầu lo việc nhang khói cúng bái nên lúc nào cũng tươm tất. người đến xem chỗ thầy thì muôn vẻ, có người tới cầu an, có người nhờ thầy cầu siêu, có người nhờ thầy vẽ bùa tài lộc, thầy nhận việc cho ai thì thường làm xong mà rất hiệu quả nên càng nức tiếng, thầy cũng nổi tiếng trung thực, việc nào khó không làm được thì thầy không nhận, bảo là không làm được chứ không có kiểu cứ nhận bừa làm đại rồi sau này hỏng lại đổ tại số trời giống như một số thầy pháp khác, do vậy ai mà được thầy nhận coi cho thì rất yên tâm, coi như việc xong một nửa, thầy coi cho xong mà gật đầu nhận việc thì coi như xong cả chẳng cần lo nghĩ gì thêm cho mệt đầu, chỉ cần chờ ngày mà gửi tiền cho thầy thôi, tiếng nức gần xa, thầy có hai cậu con, chỉ dựa vào việc xem bùa, giải hạn mà nuôi cho cả hai cậu ăn học đàng hoàng, một cậu còn được thầy nuôi cho học ở nước ngoài, còn xây được nhà lầu to đẹp. thế nhưng để hẹn được với thầy xem việc thì cũng khó, hoặc tiền đặt lễ trước xem việc phải cao, hoặc phải là chức sắc cán bộ, hoặc phải chỗ thân quen có người giới thiệu thầy mới nhận gặp chứ không phải cứ hỏi là được, thế nên thầy quen biết cũng rộng, từ cán bộ xã tới cán bộ tỉnh ai đã không tin việc huyền thì thôi, ai đã tin xem thì đều phải biết tới tiếng thầy Bình, và đều ít ra phải ghé qua thầy hỏi việc đôi lần, rồi có làm thì làm, không làm thì tính sau. Khách ở phương xa tới xem việc nhà thầy cũng nhiều, có người lặn lội từ miền bắc, có người lại từ miền tây xa xôi cách cả nghìn cây số bắt xe lửa, máy bay tới mà tìm lo việc, những người như thế thầy Bình đều tiếp đón cẩn thận, có nhà riêng cho nghỉ đàng hoàng, nên cũng được lòng thập phương lắm…

Ngay đến bố Liễu là bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện vậy mà cũng phải nhờ một quan chức trong huyện liên lạc trước giúp cho thì mới đặt được lịch với thầy Bình. Ban đầu khi Liễu nói thì ông Thái ngần ngại lắm, vì nhà không có tiền, đường đi lại xa, thân thích thì không, nhưng mãi sau Liễu cứ động viên mãi, lai thêm có hải nói vun vào nên ông Thái cũng miễn cưỡng gật đầu, ông bán cả đàn gà sau nhà đi, lại hái rau dưa ngoài chợ gom góp bán thì được hơn sáu triệu, thế là cũng quyết tâm đưa Gấu đi một chuyến, để mình Sóc ở nhà cũng không được, vậy là cả ba bố con cùng đi. Hải do bận công việc ở cơ quan, không sắp xếp được, mà vốn dĩ cũng ác cảm dị ứng với mấy nơi đồng bóng u linh nên không đi cùng, chỉ có Liễu đi cùng ba bố con.

Sóc không biết lo nghĩ của người lớn, em chỉ biết được bố xin cô giáo cho nghỉ học hai ngày để đi huyện xa chơi, lại được đi cùng cô Liễu và Gấu thì em thích lắm, trước hôm đi chuẩn bị rất kĩ càng quần áo đồ dùng, cứ như là đi cắm trại vậy.

Vậy là tới ngày thì cả bốn người ra bắt xe đò cùng đi sang huyện Đình Trạch.

Xe đi chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ là tới nơi, vào trong đất huyện, lại mất thêm tới gần một tiếng nữa để về xã tìm ra địa chỉ của thầy Bình, lúc khởi hành là sáng sớm mà khi tới nơi thì đã sắp tới giờ nghỉ trưa rồi.

Xe chở cả bốn người vào tới nhà trọ cách nhà thầy Bình cỡ chừng nửa cây số thì dừng, Liễu xuống xe trả tiền rồi nói:

– Thôi giờ cũng sắp trưa, nhà ta cứ ăn nghỉ ngơi rồi tới chiều ta vào gặp thầy là được, thời gian thư thả thì công việc sẽ hiệu quả hơn.

Vậy là mọi người cùng lên phòng nghỉ ngơi, Liễu thuê hai phòng đôi, cô và Sóc ở một phòng, ông Thái và Gấu ở phòng bên cạnh, lên phòng tắm rửa thay đồ vệ sinh xong xuôi thì cả nhà cùng đi tới tiệm cơm gần đó ăn cơm trưa.

Tiệm cơm cách trọ cỡ chừng bốn trăm mét, từ trong tiệm ấy dòm ra có thể nhìn thấy phủ của thầy Bình xa xa, cơm làm rất ngon, ba suất thập cẩm và một suất cơm chay cho Gấu, ông Thái ngồi ăn mà cứ nhìn Gấu lấm lét, rôi quay ngang quay ngửa xem có ai dòm không, bởi lẽ Gấu vẫn không dùng được đũa thìa.

Gấu thấy cơm thì bốc ăn ngay, không chào hỏi ai, Liễu thấy vẻ mặt ông Thái lo lắng, biết là ông ngại nên cũng lựa lời nói cho ông đỡ la Gấu, cũng may buổi trưa ấy quán lại ít người, cũng chẳng có ai để ý gì, nên mọi người im lặng ăn qua quít cho xong.

Bấy giờ quán đã vãn hết, thấy bà chủ quán đang ngồi nghỉ chờ dọn dẹp, Liễu mới lân la bắt chuyện:

– Quán hình như nay ít khách à cô?

Chủ quán là người nữ trung niên, tuổi chạc qua năm mươi, mái tóc nhẹ lơn xoăn, dáng người phục phịch, nhưng trông có vẻ sởi lởi hòa đồng, liền trả lời lại:

– Ừa cô chẳng hiểu sao nay không có ai đến, chứ bình thường thì người chật kín quán, quán cô phải thuê hai đứa phục vụ mới kịp bán đó, nay vãn khách nên cô mới cho chúng nó nghỉ về.

Liễu biết thừa nhưng giả tảng hỏi dò:

– Bình thường quán đông lắm hả cô? Do gần đây có công ty hay công trường gì à?

Cô chủ đáp:

– Đúng rồi, thường thì thức ăn bán cái hết veo. Quanh đây không có công ty, chủ yếu người ăn là khách của thầy Bình, toàn là người từ xa đến xin thầy coi việc cho. Cháu có phải cũng đến tìm thầy không? cần biết gì cứ hỏi đi cô đây nói cho, còn bày đặt hỏi dò làm gì?

Liễu bị chủ quán nói trúng tim đen, giật mình cười trừ rồi nói:

– Sao cô biết hay thế ạ?

Cô chủ cười toa toét rồi thực thà đáp:

– Cháu ăn nói cũng khéo đấy, thế nhưng mà cô ở đây nhiều năm, gặp nhiều người hỏi dò nên quen rồi. nhà cháu bước vào đây bốn người, cậu trai này thì trông không được bình thường, ngây ngây ngô ngô, mắt thì nhìn cụp, lại ăn bốc bản, không bệnh huyền thì là gì. Ghớm, cô nghe giọng cháu lạ lắm chắc không phải người ở đây, thì lại càng chắc từ xa tới thỉnh thầy.

Liễu lại cười trừ mà thầm thán phục người chủ quán tinh ý, đúng cổ nhân nói chẳng sai, đừng trông mặt mà bắt hình dong, người già trải qua thăng trầm, không nhất thiết phải là người ưu tú trong xã hội hoặc có trí tuệ kiệt xuất, dù chỉ là người bán quán ven đường nhưng chỉ riêng kinh nghiệm họ trải qua hẳn là đúng muôn lần chẳng sai.

Liễu thấy nét mặt cô chủ tươi vui hòa khí, lại đã mở nước nên cũng mạnh dạn hỏi:

– Dạ thú thực cô cháu chưa biết lễ nghĩa thế nào nên chẳng dám bỗ bã đành phải hỏi dò, nay cháu chẳng giấu gì cô cả, nhà cháu từ xa tới đây để khám bệnh cho anh cháu, lạ nước lạ cái chẳng biết thực hư ra sao cả, nếu có mẹo gì cô bày cho cháu ạ, nay chẳng biết nhà thầy có công chuyện gì hay không mà khách vãn thế ạ? Thường ngay chắc nhiều hả cô?

Cô chủ đáp:

– Đúng rồi, thầy coi việc giỏi lắm cháu à, ngày nào cũng như ngày nào, cứ sáng sang chiều có phải cứ đến hai, ba chục khách, bình thường ô tô đậu kín cả dọc đường này, nhưng chẳng biết sao hôm nay một bóng người cũng không thấy có, chỉ có mỗi cái nhà kia đến trả lễ vẫn còn đang đậu ô tô trước cửa kia kìa.

Nói đoạn cô chủ chỉ về phía xa, ngay trước cửa nhà thầy Bình đậu chiếc ô tô con bốn chỗ ngồi màu đen rất mới, đẹp.

Đấy là xe của khách, vậy có nghĩa là nay thầy vẫn làm việc, chỉ không biết vì sao mà nay chẳng có khách khứa gì…

Liễu lại hỏi:

– Thầy chữa bệnh coi việc bằng phép gì mà hay thế cô?

Cô chủ cười phá lên nói:

– Ghớm cái cô này, tôi mà biết được phép thầy thì tôi làm thấy rồi chứ nào còn đứng đây mà mở quán ăn?

Liễu và ông Thái nghe thế cũng phá lên cười.

Rồi cô chủ lấy giọng nghiêm trang nói:

– Cô cũng chỉ nghe loáng thoáng thầy nuôi đâu một vườn ngải sau nhà ấy, ngải của thầy nuôi bằng máu linh lắm, chuyên đi xem việc cho khách trăm lần không sai một, mà thầy này còn biết cả bùa chú, với cả có người trên mách lối đưa đường, rỉ tai dặn nhỏ cho mới được thế, chứ của trời l*иg lộng, không được trên cho thì dễ đấy mà húp của thiên hạ…

Liễu và ông Thái nghe thế thì càng tin, trong lòng cả hai khấp khởi mừng thầm, chuyến này chắc sẽ được việc.

Rồi ông Thái hỏi;

– Chị chủ xem thử chúng tôi cứ thế vào hay có phải mua lễ lạt gì không?

Liễu nghe là hiểu ông Thái lại đang nặng nề chuyện tiền nong, đang định lên tiếng trấn an thì cô chủ đã nói:

– Ừ không nói chắc mấy người lại mất công một phen, lễ thì không cần đâu, nếu là việc của người cụ thể thì đừng có đưa người bệnh vào vội, người nhà vào trước nói sự tình đã, thầy nghe qua có ưng thì hẵng dẫn vào, vì có nhiều trường hợp thầy chỉ nghe người nhà tả lại hành vi thì không nhận nữa, nên cái đó thành lệ rồi, ai chỉ cho nhà đến đây mà lại không dặn cho biết điều đó à?

Liễu và ông Thái nhìn nhau…

Lại còn phải người nhà vào thưa chuyện trước mới được cơ à?

Thấy khách băn khoăn cô chủ mới nói;

– Đấy là lệ xưa nay rồi, thôi thì mấy khi tới đất Đình Trạch một chuyến, cả nhà cứ nghỉ ngơi đi, cho một người vào trình thầy trước, còn thì chiều nay đi tham quan một chuyến rồi nếu thầy ưng gặp thì vào sau cũng được…